Vô sinh không rõ nguyên nhân ở các cặp vợ chồng

5/5 - (3 bình chọn)

Tưởng là bệnh hiếm, thế nhưng bệnh nhân tại Khoa Hiếm muộn, Nam khoa của các BV Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, BV Từ Dũ, Hùng Vương, Bình Dân TPHCM… lúc nào cũng chật kín các ngày làm việc trong tuần. Hiện nay vô sinh không rõ nguyên nhân đang tăng lên…

Không biết nguyên nhân

TS BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho biết: Ngày nào cũng vậy, khoa đón khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Số lượng này đang tăng dần theo thời gian. Trong đó, phần lớn là bệnh nhân đến từ các tỉnh.

Cưới nhau hơn 3 năm, cả hai vợ chồng anh M.H, ở quận 4, TPHCM được xem là “cặp đôi hoàn hảo” trong mắt mọi người vì đều có địa vị trong xã hội. Cả hai vợ chồng ngày đêm đang lo “ngay ngáy” vì anh đang ở độ tuổi  37 và vợ kém 3 tuổi vẫn mong chờ từng ngày tiếng khóc của đứa trẻ. Chạy đôn chạy đáo đủ chỗ nhưng vẫn không có kết quả gì. Cả hai đều khỏe mạnh và khám tổng quát đều không thấy có gì bất thường nhưng lại không thể có con. Kết quả kiểm tra tinh dịch đồ, siêu âm buồng trứng và dựa vào kết quả xét nghiệm các BS khẳng định:  Chất lượng tốt. Vô sinh không rõ nguyên nhân. Anh M.H rất buồn: “Thà biết lý do thì còn có cách để chữa chạy, không rõ nguyên nhân thì biết sao đây?”

Tương tự như vợ chồng anh M.H, cũng tại phòng khám hiếm muộn – BV Từ Dũ, chị M – trú tại Bình Dương cho biết: Hai vợ chồng lấy nhau được 8 năm, đã có con gái đầu lòng gần 7 tuổi. Cả 5 năm nay, hai vợ chồng muốn có con thứ 2 nhưng không thực hiện được. BS kết luận là vô sinh không rõ nguyên nhân.

Theo các BS, cả hai cặp vợ chồng nói trên đều là những người bình thường về cấu tạo các cơ quan sinh sản. Dù không áp dụng biện pháp ngừa thai nào, nhưng sau hơn một năm chung sống vẫn chưa thể có con thì xem là vô sinh không rõ nguyên nhân.

Hiếm muộn đâu chỉ tại chị em

Nhiều người nghĩ vô sinh là do phái đẹp gây ra, thế nhưng ít ai biết rằng, gần 86% nam giới bất thường về tinh dịch đồ đã ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh.

Chị Trần Thị M, 36 tuổi, trú tại Đà Nẵng lập gia đình cách đây 8 năm nhưng không có con. Gia đình nhà chồng nghĩ rằng, nguyên nhân là do chị M mà không biết rằng, “thủ phạm” lại chính là con trai của mình. Bị gia đình chồng chì chiết bóng gió mỗi khi gặp mặt, chị M quyết định khăn gói vào TPHCM kiểm tra. Lần đầu kiểm tra tại BV Hùng Vương cho kết quả bình thường, chị chưa tin nên đến BV Từ Dũ, kết quả cũng tương tự. Sau khi được các BS tư vấn là đề nghị người chồng đi xét nghiệm tinh dịch đồ, chị mới tự tin đưa kết quả kiểm tra sức khỏe cho gia đình chồng và khẳng định lỗi chậm có con không phải do mình. Đến khi người chồng làm xét nghiệm thì ra, hiếm muộn là do tinh dịch “có nước không có cái”.

Tại hội thảo vô sinh nam vừa diễn ra tại BV Bình Dân TPHCM mới đây, các chuyên gia đã đưa ra con số, khoảng 30% trường hợp vô sinh là do người chồng, 40% do người vợ, 20% do cả hai vợ chồng và 10% không xác định được nguyên nhân. Dù vô sinh từ người chồng chiếm gần 1/3 nguyên nhân vô sinh, thế nhưng đến nay giới mày râu vẫn cho vô sinh là chuyện của phụ nữ!

Dẫn chứng cho trường hợp trên, BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết: Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản TP.HCM (CGRH) trên 4.060 nam giới lần đầu tiên thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ tại các trung tâm điều trị vô sinh tại TP.HCM cho thấy, có đến 85,44% trường hợp bất thường về tinh dịch. Đây là báo cáo đầu tiên ở Việt Nam về đánh giá kết quả tinh dịch đồ trên bệnh nhân Việt Nam theo tiêu chuẩn WHO năm 2010.

BS Tường cũng cho hay: “Cách đây 10 năm, tỷ lệ nam giới điều trị hiếm muộn có liên quan đến bất thường tinh dịch chiếm 77,3%. Sự bất thường tinh dịch đồ ở nam giới Việt Nam có khuynh hướng gia tăng. Sự suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới, đặc biệt là sự bất thường về hình dạng của tinh trùng đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thụ tinh”.

Đeo nhẫn vàng lâu năm cũng ảnh hưởng…

Theo TS  Lê Vương Văn Vệ – GĐ BV Nam khoa và Hiếm muộn Việt Bỉ, nam giới nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nếu cai được hai thứ này thì “con giống” tăng lên rõ rệt cả về chất lượng và số lượng. Ăn uống và nghề nghiệp không phải là yếu tố quyết định tỉ lệ hiếm muộn. Nhưng nếu nam giới dùng nhiều chất có ảnh hưởng đến “con giống” (như rượu, thuốc lá… đều có thể tiêu diệt tinh trùng), hay làm việc ở môi trường có thể gây ảnh hưởng đến việc sản xuất “tinh binh”, thì đều có nguy cơ gây hiếm muộn.

Nguyên nhân thường gặp nhất đối với nam giới hiếm muộn là do những bất thường về số lượng và chất lượng “con giống” (chiếm đến 90% trường hợp hiếm muộn do nam giới). Nam giới làm những nghề thường xuyên, tiếp xúc lâu dài với các kim loại chì, sắt, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ có thể làm “tinh binh” suy yếu, mất khả năng hoạt động và di chuyển.

Làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, như thợ lò, hàn xì; môi trường độc hại (đặc biệt có chất: hydrocarbons; cadmiume; bromopropane; chlofluorocarbon); nghề kim hoàn (trực tiếp phân kim, luyện vàng – asenic) đều khiến cho khả năng sinh tinh giảm. Điều này lý giải, với một số trường hợp, việc đeo nhẫn cưới (bằng vàng) thời gian dài có ảnh hưởng đến chất lượng sản sinh tinh trùng.

Bình luận